CÔNG TY CỔ PHẦN LOGISTICS VINALINK

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 6 và 6 tháng năm 2017

15-08-2017



1. Đánh giá chung

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2017 đạt 35,88 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2017 đạt 198,22 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu trong tháng 6/2017 đạt gần 17,8 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 5/2017 và kim ngạch xuất khẩu 6 tháng/2017 đạt 97,21 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu trong tháng 6/2017 đạt gần 18,09 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 6 tháng/2017 đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và
cán cân thương mại từ 6 tháng đầu năm giai đoạn 2013-2017


Nguồn: Tổng cục Hải quan
 
Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 6/2017 đạt 23,18 tỷ USD, giảm 2,9% so với  tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 6 tháng/2017 đạt 129,62 tỷ USD, tăng 23,9%, tương ứng tăng 24,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 6/2017 đạt gần 12,35 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước và 6 tháng/2017 đạt gần 68,97 tỷ USD, tăng 20,1%, tương ứng tăng hơn 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước;
- Nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng đạt 10,83 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và 6 tháng/2017 đạt 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%, tương ứng tăng gần 13,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước: Trong tháng 6/2017 đạt kim ngạch 12,7 tỷ USD, tăng 1,4%, tương ứng tăng 176 triệu USD so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này trong 6 tháng/2017 đạt 68,6 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 10,05 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Xuất khẩu của khối doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 6/2017 đạt hơn 5,44 tỷ USD, tăng 4,7%, tương ứng tăng 244 triệu USD, so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu của khối này 6 tháng/2017 đạt gần 28,76 tỷ USD, tăng 15,9%, tương ứng tăng 3,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
- Nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 6/2017 đạt 7,26 tỷ USD, giảm 0,9%, tương ứng giảm 68 triệu USD so với tháng trước. Đưa kim ngạch nhập khẩu của khối này 6 tháng/2017 đạt 39,84 tỷ USD, tăng 18,1%, tương ứng tăng 6,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa: Tháng 6/2017 cả nước thâm hụt 292 triệu USD, đưa cán cân của cả nước 6 tháng/2017 thâm hụt gần 2,78 tỷ USD. Trong đó:
- Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 6/2017 đạt mức thặng dư 1,53 tỷ USD, đưa thặng dư của khối này trong 6 tháng/2017 đạt 8,31 tỷ USD;
- Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước tháng 6/2017 thâm hụt 1,82 tỷ USD, đưa thâm hụt của nhóm này trong 6 tháng/2017 là 11,09 tỷ USD, bằng 38,6% kim ngạch xuất khẩu của khối này.

2. Thị trường xuất nhập khẩu

Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua 3 thị trường Hoa Kỳ, EU, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc.  
Trong 6 tháng/2017 kim ngạch xuất nhập khẩu của 10 thi trường lớn nhất của Việt Nam đạt kim ngạch 176,09 tỷ USD, chiếm 88,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 39,86 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc đã vượt qua 3 thị trường là Hoa Kỳ, EU, và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 29,12 tỷ USD, chiếm 14,7%; Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch 24,42 tỷ USD, chiếm 12,3%, tiếp theo là thị trường EU (28 nước) với 24,01 tỷ USD, chiếm 12,1%, thị trường ASEAN với kim ngạch hơn 23,93 tỷ USD; chiếm 12,1%; …
Biểu đồ 2: Xuất nhập khẩu Việt Nam và 10 đối tác thương mại lớn nhất
6 tháng đầu năm 2017



Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thị trường xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 tháng/2017 đạt mức tăng 42,9%, cao nhất từ năm 2012 đến nay.
Trong 6 tháng/2017, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 19,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) đạt kim ngạch 18,2 tỷ USD, tăng 12,4%; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 13,02 tỷ USD, tăng 42,9%; thị trường ASEAN với kim ngạch 10,35 tỷ USD, tăng 27,1%; Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 với kim ngạch hơn 8 tỷ USD, tăng 20,4%; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch gần 6,57 tỷ USD, tăng 28,6%;…

Thị trường nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc 6 tháng/2017 tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 26,84 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng 26,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2 với 22,56 tỷ USD, tăng 51,3%, chiếm tỷ trọng 22,4%; ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 cho Việt Nam với kim ngạch 13,58 tỷ USD; tăng 17,7%; chiếm tỷ trọng 13,5%;…

3. Hàng hóa xuất khẩu

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng 2017, có 19 nhóm hàng/45 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10 nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất đạt kim ngạch 69,94 tỷ USD, chiếm 71,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Biểu đồ 3: 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất 6 tháng/2017 so với cùng kỳ 2016
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Điện thoại các loại và linh kiện: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 3,23 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 6 tháng/2017 đạt 19,5 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với kim ngạch 2,05 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) với kim ngạch 1,92 tỷ USD, giảm 13,8%; Hàn Quốc với 1,71 tỷ USD, tăng 30,2%;…

Hàng dệt may: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 2,37 tỷ USD, tăng 23,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 11,75 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước;
Trong 6 tháng/2017, 48,9% trị giá hàng dệt may của cả nước được xuất khẩu sang Hoa Kỳ với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 trường EU (28 nước) với kim ngạch 1,69 tỷ USD, tăng 3,5%; tiếp theo là thị trường Nhật Bản với kim ngạch 1,37 tỷ USD, tăng 8%; …

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 2,05 tỷ USD, tăng 10,1% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 11,56 tỷ USD, tăng 45,8% so với tháng trước.
Trong 6 tháng/2017, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc với 2,85 tỷ USD, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU(28 nước) với kim ngạch 2,12 tỷ USD, tăng 23,7%; thị trường Hoa kỳ với 1,35 tỷ USD, tăng 0,2%; …

Máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 1,03 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước; Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 5,93 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước;
Trong 6 tháng/2017, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường sau:  Hoa Kỳ đạt trị giá 1,22 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt trị giá 833 triệu USD, tăng 15,5%; Trung Quốc đạt trị giá 733 triệu USD, tăng 70%;…

Gỗ và sản phẩm gỗ: Đạt trị giá xuất khẩu trong tháng là 633 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 5/2017, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng/2017, gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường sau: Hoa Kỳ với 1,51 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc với 556 triệu USD, tăng 29%; Nhật Bản với 503 triệu USD, tăng 5,3%…

Hàng nông sản: (bao gồm: hàng rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn; cao su) Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 1,53 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 8,51 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước.
Hàng nông sản xuất khẩu trong 6 tháng/2017 chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc với 3,05 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của cả nước; thị trường EU (28 nước) đạt kim ngạch 1,53 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm tỷ trọng 17,9%; Hoa Kỳ với 1,04 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 12,2%;… Cụ thể như sau:
- Hàng rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng là 272 triệu USD; giảm 27,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2017 của nhóm hàng này đạt 1,67 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước;
- Xuất khẩu hạt điều trong tháng đạt 35 nghìn tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và 7,4% về trị giá. Đưa kim ngạch xuất khẩu hạt điều 6 tháng/2017 đạt 151 nghìn tấn, trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 3,2% về lượng, tuy nhiên tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước;
- Xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 122 nghìn tấn, trị giá 276 triệu USD, tương đương với mức xuất khẩu của tháng trước. Đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 6 tháng/2017 đạt 831 nghìn tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng, tuy nhiên tăng 10,4% về trị giá;
- Xuất khẩu cao su trong trong tháng đạt 122 nghìn tấn, trị giá 188 triệu USD, tăng 100,8% về lượng và 84,5% về trị giá so với tháng trước. Đưa kim ngạch xuất khẩu cao su 6 tháng/2017 đạt 484 nghìn tấn, trị giá 896 triệu USD.

IIINhập khẩu một số nhóm hàng chính

Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu hàng hóa đạt kim 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 21 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 81,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đóng góp không nhỏ vào mức tăng đó là các nhóm hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 4,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,65 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,44 tỷ USD;   

Biểu đồ 4: Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất
6 tháng/2017 so với cùng kỳ năm 2016
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tháng 6/2017 đạt gần 3,34 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt  18,27 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 54 nhóm hàng.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hàn Quốc với kim ngạch 6,18 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 33,85 trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 5,33 tỷ USD, tăng 26,1%, chiếm tỷ trọng 29,2%; thị trường Nhật Bản với 2,12 tỷ USD, tăng 2,1%, chiếm tỷ trọng 11,6%.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Đạt kim ngạch nhập khẩu trong tháng là 2,88 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 6 tháng/2017 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 28,9% so với tháng trước.
Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hàn Quốc đạt trị giá 6,04 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 37,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; Trung Quốc đạt trị giá 3,23 tỷ USD, tăng 27,1%, chiếm tỷ trọng 19,8%; Đài Loan với 1,7 tỷ USD, tăng 23%, chiếm tỷ trọng 10,4%;…

Điện thoại các loại và linh kiện: Đạt kim ngạch nhập khẩu trong tháng là 1,13 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 6 tháng/2017 đạt 6,24 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng/2017 nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường: Trung Quốc với 3,25 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc với 2,29 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước;…

Nhóm hàng nguyên phụ liệu (bao gồm: bông, xơ sợi dệt các loại, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu trong tháng 6/2017 đạt 1,85 tỷ USD, giảm 10,9% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu 6 tháng/2017 đạt 10,33 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 10,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong đó:
- Vải các loại là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 5,49 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy được nhập về với trị giá 2,73 tỷ USD, tăng 8,7%; bông các loại đạt trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 54,5%; xơ, sợi dệt các lại đạt trị giá 879 triệu USD, tăng 16,5%.
- Các thị trường cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu cho Việt Nam trong 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 4,36 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc với kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 4,7%; Đài Loan với kim ngạch 1,19 tỷ USD, tăng 11,5%;

Sắt thép các loại: Kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 6/2017 đạt gần 1,1 triệu tấn, trị giá 649 triệu USD; giảm 10,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng sắt thép nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 7,91 triệu tấn, trị giá 4,61 tỷ USD, giảm 17,3% về lượng, tuy nhiên tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Trung Quốc với 3,95 triệu tấn, trị giá 2,23 tỷ USD, giảm 23,8% về lượng, tuy nhiên tăng 12,3% về trị giá, đơn giá bình quân đạt 564 USD/tấn; thị trường Nhật Bản cung cấp 1,07 triệu tấn, trị giá 646 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và tăng 19,4% về trị giá;
Sắt thép các loại có xuất xứ Ấn Độ nhập về Việt Nam 6 tháng/2017 đang có mức tăng đột biến, tăng 20,3 lần về lượng và 13,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượng sắt thép xuất xứ Ấn Độ là 812 nghìn tấn, trị giá 422 triệu USD, với đơn giá khai báo bình quân là 519 USD/ tấn thấp nhất trong các thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam.

Biểu đồ 5: Lượng và đơn giá khai báo bình quân sắt thép các loại nhập khẩu
 6 tháng đầu năm từ năm 2010 đến 2017

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Hạt điều: Nhập khẩu hạt điều trong tháng 6/2017 đạt 254 nghìn tấn, trị giá 475 triệu USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 63% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu 6 tháng/2017 đạt 681 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 68,9% về lượng và tăng 117,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường cung cấp hạt điều cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Bờ Biển Ngà với 195 nghìn tấn, trị giá 370 triệu USD; tăng 35% về lượng và 74,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; Nigiêria với 113 nghìn tấn trị giá 198 triệu USD, tăng 73,4% về lượng và 124,5% về trị giá; Tanzania với 101 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD, tăng 197% về lượng và 285,9% về trị giá; Campuchia với 88 nghìn tấn, trị giá 174 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và 56,1% về trị giá.

Ô tô nguyên chiếc các loại: Trong tháng 6/2017 cả nước nhập khẩu 7,8 nghìn ô tô nguyên chiếc các loại trị giá 171 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và 20,7% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng xe ô tô nguyên chiếc các loai nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 51 nghìn chiếc, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng, giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,
- Ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 26,6 nghìn chiếc, trị giá 449 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cung cấp ô tô dưới 9 chỗ ngồi cho Việt nam chủ yếu gồm:
+ Lớn nhất là thị trường Indonesia với 8,9 nghìn chiếc, trị giá 171 triệu USD, tăng 66 lần về lượng và 103 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 19,3 nghìn USD/chiếc; thị trường Thái Lan đứng thứ 2 với 6,6 nghìn chiếc, trị giá 105 triệu USD, tăng 84,1% về lượng và 157,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 15,8 nghìn USD/chiếc.
+ Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Ấn Độ đạt 5 nghìn chiếc trị giá 21 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 4,2 nghìn chiếc.

Biểu đồ 6: Cơ cấu nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo thị trường 6 tháng/2017

Nguồn: Tổng cục Hải quan

- Xe ô tô trên 9 chỗ ngồi là 338 chiếc, trị giá 10 triệu USD; giảm 31% về lượng và 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản với 190 chiêc trị giá 5 triệu USD;
- Xe ô tô tải là 19,2 nghìn chiếc trị giá 379 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và 17,2% về trị giá. Xe ô tô tải chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 12,5 nghìn chiếc, tăng 9%; Hàn Quốc là 2,7 nghìn chiếc, Trung Quốc là 1,9 nghìn chiếc.

Xăng dầu các loại: Trong tháng cả nước nhập khẩu 1,37 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 643 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng nhập khẩu xăng dầu các loại 6 tháng/2017 đạt 6,41 triệu tấn, trị giá 3,32 tỷ USD, tămg 0,3% về lượng, và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm:  Singapore với 2,69 triệu tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 6,5% về lượng và 37,4% về trị giá; Hàn Quốc với 1,45 triệu tấn, trị giá 875 triệu USD, tăng 76,7% về lượng và 108,6% về trị giá; Malaysia với 1,25 triệu tấn, trị giá 567 triệu USD, giảm 33,2% về lượng và 19,8% về trị giá.



https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1159&Category=&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch